Tình hình thực tế tại Việt Nam Siêu_thị

Do đặc trưng lịch sử phát triển kinh tế, siêu thị tại Việt Nam ra đời khá muộn. Quá trình hình thành và phát triển của siêu thị Việt Nam qua các thời kỳ:

  • Thời kỳ trước 1975: Ngày 16.10.1967, Siêu thị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam khai trương tại Sài Gòn (Siêu thị Nguyễn Du)
  • Thời kỳ 1993 - 1994: Siêu thị bắt đầu mở lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thời kỳ 1995 - 1997: Mở rộng ra các thành phố lớn trên cả nước: Trong thời kỳ này bắt đầu có sự xuất hiện của các siêu thị ở Hà Nội vào đầu năm 1995.
  • Từ năm 1998 đến nay: Cạnh tranh, đào thải và chuyên nghiệp hơn: Do sự xuất hiện ồ ạt, kinh doanh không bài bản, thiếu kiến thức thương nghiệp và phải cạnh tranh với các hình thức bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, hàng rong và cạnh tranh lẫn nhau nên rất nhiều siêu thị đó đã vỡ nợ, phá sản, làm ăn thua lỗ và có nguy cơ phá sản. Những siêu thị còn tồn tại và phát triển là nhờ những nhà quản lý tỉnh táo hơn, có hướng phát triển phù hợp.
  • Tính đến hết năm 2010, cả nước Việt Nam có 571 siêu thị, trong đó 111 siêu thị hạng nhất, 149 siêu thị hạng hai và 311 siêu thị hạng ba. Các siêu thị tập trung tại các tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh (142 siêu thị), Hà Nội (74), Đà Nẵng (23), Nghệ An (22)[3].

Tiêu chuẩn Siêu thị Việt Nam

Tại Việt Nam, các siêu thị phải ghi bằng tiếng Việt là SIÊU THỊ trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ địa chỉ danh hay tính chất của Siêu thị. Nếu ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn kích cỡ tên tiếng Việt và phải đặt dưới hoặc sau tiếng Việt.

Theo quy định của Bộ Công Thương Việt Nam, siêu thị được phân làm 3 hạng[1]:

Siêu thị hạng I

Ngoài các tiêu chuẩn về kiến trúc hiện đại, kho hàng, kỹ thuật bảo quản, khu vệ sinh, khu giải trí, các siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:

  • Có diện tích kinh doanh từ 5.000m2 trở lên;
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên;

Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:

  • Diện tích từ 1.000m2 trở lên;
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên

Siêu thị hạng II

Siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:

  • Có diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên;
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên;

Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:

  • Diện tích từ 500m2 trở lên;
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 1.000 tên hàng trở lên

Siêu thị hạng III

Siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:

  • Có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên;
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên;

Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:

  • Diện tích từ 250m2 trở lên (như siêu thị tổng hợp);
  • Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên